Dầu oliu được coi là nguồn chất béo lành mạnh nhất hành tinh, có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe cũng như sắc đẹp. Dầu oliu cũng được xem là loại dầu ăn tốt hơn nhiều so với các loại dầu thực vật khác. Không những thế, các món ăn sử dụng dầu olive sẽ có hương vị thơm ngon, hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, dầu oliu từ lâu đã được các nước phương Tây khai thác sử dụng như một món quà quý từ thiên nhiên.
Được nghe và nhắc đến nhiều lần nhưng bạn đã biết công dụng thực sự của dầu oliu là gì? Hãy cùng WellWay tìm hiểu 11 lợi ích của dầu olive đối với sức khỏe đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học.
1. Dầu oliu rất giàu chất béo không bão hòa đơn lành mạnh
Dầu oliu là dầu tự nhiên được chiết xuất từ quả oliu. Trong dầu chứa 14% chất béo bão hòa, 11% chất béo không bão hòa đa như axit béo Omega 6 và Omega 3 (1).
Ngoài ra, axit béo chiếm lượng lớn trong dầu olive là chất béo không bão hòa đơn gọi là axit oleic, chiếm 73% tổng lượng dầu. Các nghiên cứu cho thấy axit oleic có khả năng giảm viêm và chống lại các gốc tự do có hại (2).
Bên cạnh đó, chất béo không bão hòa đơn không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao vì vậy dầu oliu là một lựa chọn lành mạnh để nấu ăn.
2. Dầu oliu dồi dào chất chống oxy hóa
Dầu oliu nguyên chất không chỉ giàu các axit béo có lợi mà còn chứa vitamin E và K.
Đặc biệt, dầu olive dồi dào các chất chống oxy hóa. Các chất này có hoạt tính sinh học mạnh mẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính (3).
Ngoài ra, các chất chống oxy giúp còn giúp chống viêm và giảm lượng cholesterol xấu LDL trong máu, đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (4).
3. Dầu olive có đặc tính chống viêm mạnh
Viêm mãn tính là nguyên nhân chính gây ra các bệnh như ung thư, bệnh tim, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường loại 2, Alzheimer, viêm khớp và béo phì.
Dầu olive nguyên chất có thể giúp giảm viêm vì có nhiều chất chống oxy hóa. Một trong số đó là chất oleocanthal, được chứng minh có tác dụng tương tự như ibuprofen – một loại thuốc chống viêm (5).
Các nhà khoa học ước tính rằng oleocanthal trong 3,4 muỗng canh (50ml) dầu oliu nguyên chất có tác dụng tương tự như 10% liều ibuprofen dành cho người lớn (6).
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng axit oleic – axit béo chính trong dầu olive, có thể làm giảm mức độ của các dấu hiệu viêm quan trọng như chỉ số protein phản ứng C (CRP). Protein phản ứng C là một chất phản ứng không đặc hiệu, thuộc pha cấp tính để chẩn đoán các bệnh nhiễm vi khuẩn và rối loạn viêm, ví dụ sốt dạng thấp hay viêm khớp dạng thấp (7).
Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng chất chống oxy hóa có trong dầu oliu có thể ức chế một số gen và protein gây viêm (8).
4. Dầu oliu có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ
Rối loạn lưu lượng máu đến não do cục máu đông hoặc chảy máu sẽ dẫn đến đột quỵ. Ở một số quốc gia phát triển, đột quỵ là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, chỉ sau bệnh tim (9).
Một nghiên cứu được thực hiện với 841000 người cho thấy dầu oliu là nguồn chất béo không bão hòa đơn duy nhất có tác dụng giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim (10).
Trong một nghiên cứu khác với 140000 người tham gia, những người tiêu thụ dầu olive có nguy cơ đột quỵ thấp hơn nhiều so với những người không sử dụng (11).
5. Dầu olive bảo vệ chống lại bệnh tim
Bệnh tim là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới (12).
Các nghiên cứu được thực hiện vài thập kỷ trước cho thấy những người sống ở các nước Địa Trung Hải ít bị bệnh tim hơn. Chính vì thế, các nhà khoa học đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu hơn về chế độ ăn Địa Trung Hải – hiện đã được chứng minh giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim (13).
Dầu oliu nguyên chất là một trong những thành phần chính trong chế độ ăn kiêng này, giúp bảo vệ chống lại bệnh tim theo nhiều cách (14).
Dầu olive có tác dụng giảm viêm và lượng cholesterol xấu LDL, cải thiện niêm mạc mạch máu và giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông (15).
Đặc biệt, dầu olive cũng đã được chứng minh có tác dụng giảm huyết áp, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim và tử vong sớm. Trong một nghiên cứu, dầu oliu giúp giảm 48% nhu cầu sử dụng thuốc điều trị bệnh huyết áp (16).
Trên thực tế, đã có hàng trăm các nghiên cứu chỉ ra rằng dầu oliu nguyên chất có lợi ích kỳ diệu đối với sức khỏe tim mạch.
Nếu bạn bị bệnh tim, tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc có nguy cơ mắc bệnh, bạn nên bổ sung dầu oliu nguyên chất vào chế độ ăn hàng ngày.
6. Dầu oliu không gây tăng cân và béo phì
Ăn quá nhiều chất béo là một trong những nguyên nhân gây tăng cân. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn Địa Trung Hải với hàm lượng dầu oliu cao không có tác động đến trọng lượng cơ thể (17).
Ngoài ra, theo một nghiên cứu kéo dài 30 tháng ở hơn 7.000 sinh viên đại học Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều dầu oliu không gây tăng cân (18).
Ngoài ra, một nghiên cứu kéo dài 3 năm với 187 người tham gia cho thấy chế độ ăn giàu dầu oliu giúp tăng mức độ chất chống oxy hóa trong máu, cũng như giảm cân (19).
7. Dầu olive hỗ trợ chống lại bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một chứng mất trí nhớ phổ biến nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chính của bệnh là do sự tích tụ của các mảng được gọi là beta-amyloid bên trong các tế bào não của người bệnh.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy một chất trong dầu oliu có thể giúp loại bỏ các mảng bám này (20).
Ngoài ra, một nghiên cứu trên người cũng chỉ ra rằng chế độ ăn Địa Trung Hải giàu dầu oliu có lợi cho chức năng não (21).
Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn về khẳng định chắc chắn về tác động của dầu oliu đối với bệnh Alzheimer.
8. Dầu oliu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Dầu oliu có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng dầu oliu có tác dụng có lợi đối với lượng đường trong máu và độ nhạy insulin (22).
Một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên ở 418 người khỏe mạnh gần đây đã xác nhận tác dụng của dầu oliu (23). Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng chế độ ăn Địa Trung Hải giàu dầu oliu giúp giảm hơn 40% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
9. Dầu olive có đặc tính chống ung thư
Ung thư là một trong những căn bệnh mang đến “án tử” cho rất nhiều người bệnh trên thế giới.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều dầu oliu giúp những người sống ở vùng Địa Trung Hải có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư thấp hơn (24).
Các chất chống oxy hóa trong dầu oliu giúp ngăn ngừa và giảm thiệt hại oxy hóa do các gốc tự do – nguyên nhân hàng đầu gây ung thư (25).
Nhiều nghiên cứu trong ống nghiệm cũng chứng minh rằng các hợp chất trong dầu oliu có khả năng chống lại các tế bào ung thư (26).
10. Dầu oliu hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn làm các khớp bị biến dạng và đau. Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch của chúng ta tấn công các tế bào bình thường do nhầm lẫn.
Bổ sung dầu olive nguyên chất giúp cải thiện các dấu hiệu viêm và giảm stress oxy hóa ở những người bị viêm khớp dạng thấp (27).
Dầu olive đặc biệt có lợi khi kết hợp với dầu cá – một nguồn axit béo Omega 3 chống viêm.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu oliu và dầu cá cải thiện đáng kể tình trạng đau khớp cổ tay và cứng khớp ở những người bị viêm khớp dạng thấp (28).
11. Dầu olive có đặc tính kháng khuẩn
Dầu oliu chứa nhiều dưỡng chất có khả năng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn có hại (29). Một trong số đó là Helicobacter pylori – một loại vi khuẩn sống trong dạ dày, có thể gây loét dạ dày và ung thư dạ dày. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra rằng dầu olive nguyên chất có thể chống lại 8 chủng vi khuẩn này, 3 trong số đó có khả năng kháng thuốc kháng sinh (30).
Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người bổ sung 30g dầu oliu nguyên chất mỗi ngày trong 2 tuần, có thể loại bỏ 10-40% khả năng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (31).
Dầu olive nguyên chất giữ được đầy đủ chất chống oxy hóa và các hợp chất có hoạt tính sinh học từ oliu. Chính vì vậy, loại dầu này lành mạnh và tốt cho sức khỏe hơn các loại dầu oliu tinh chế.
Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều loại dầu olive kém chất lượng, các nhà sản xuất đã gian lận khi ghi “nguyên chất” trên nhãn nhưng thực tế dầu đã được pha loãng với các loại dầu tinh chế khác.
Do đó, bạn nên kiểm tra nhãn cẩn thận để đảm bảo chọn mua được dầu oliu nguyên chất từ các nhà sản xuất uy tín. Yếu tố quan trọng nhất chính là kiểm tra thành phần và chứng nhận chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, về bao bì của dầu olive, bạn nên chọn loại chai tối màu bởi nó giúp hạn chế tia ánh sáng chiếu vào dầu olive khiến cho làm giảm chất lượng.
Ngoài dầu oliu, còn có rất nhiều các loại rau xanh giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như cải xoăn, rau bina… Các loại rau này cũng phù hợp để chế biến các món salad thơm ngon bổ dưỡng cùng với dầu olive.
Đăng ký nhận bản tin!
WellWay chia sẻ cho bạn và gia đình những bí quyết sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp ... hoàn toàn miễn phí qua email.
Bạn có thể hủy đăng ký bất kỳ lúc nào.